Hiện nay, trong các công trình nghiên cứu khoa học chính thức về pháp luật được công bố rộng rãi và trong hệ thống pháp luật thực định tại Việt Nam, chưa có khái niệm về pháp luật Internet. Tuy nhiên, thực tế là, nó vẫn đang tồn tại và phát triển.
Vậy, cần hiểu pháp luật Internet như thế nào?
Dưới góc độ người dùng Internet và hệ thống pháp luật hiện hành, chúng ta có thể hiểu:
Pháp luật Internet là tập hợp các quy định pháp luật điều chỉnh những hành vi phát sinh:
- Trong quá trình hình thành & phát triển Internet tại Việt Nam trên phương diện hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ;
- Trong quá trình quản lý Nhà nước về Interent tại Việt Nam;
- Trong quá trình đầu tư – kinh doanh trên lĩnh vực Internet tại Việt Nam;
- Trong quá trình sử dụng Internet của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;
- Trong những khía cạnh còn lại của đời sống xã hội, có liên quan đến Internet.
Hay nói một cách ngắn gọn hơn, Pháp luật Internet là tập hợp các quy định pháp luật có liên quan đến Internet tại Việt Nam.
Pháp luật Internet tại Việt Nam có thể được chia thành 2 nhóm cơ bản:
(1) Nhóm các quy định pháp luật đặc thù về Internet như: Luật An ninh mạng; Luật An toàn mạng thông tin mạng; Luật Viễn thông; Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin.v.v…
(2) Nhóm các quy định pháp luật truyền thống áp dụng vào lĩnh vực Internet, như: Pháp luật về sở hữu trí tuệ, về dân sự, về hình sự…áp dụng vào lĩnh vực Internet.
Ngoài ra, phù hợp với tính “không biên giới” của Internet, còn có 3 nhóm pháp luật/quy định có tính chất như pháp luật, cũng đang áp dụng với người dùng Internet Việt Nam, gồm:
(1) Pháp luật của quốc gia khác, liên quan đến Internet, có hiệu lực toàn cầu, trong đó, có Việt Nam. Điển hình là: DMCA của Hoa Kỳ, tạm dịch là: Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số của Hoa Kỳ. Hoặc GDPR của Liên minh châu Âu, tạm dịch là: Quy định về bảo vệ quyền đối với thông tin cá nhân của Liên minh châu Âu.
(2) Quy định của những tổ chức đặc biệt trên Internet, tuy không phải quốc gia, nhưng do đang nắm những tài nguyên nền tảng của Internet, liên quan đến điều kiện “cần” và “đủ” để một tổ chức, cá nhân có thể hoạt động trên Internet, cho nên, những quy định của các tổ chức này, cũng có tính bắt buộc với người dùng Internet tại Việt Nam. Điển hình là ICANN (thường gọi phiên âm sang tiếng việt là “i – can”) – Một tổ chức phi chính phủ, quản lý về tên miền quốc tế.
(3) Các điều ước quốc tế chứa đựng những quy phạm pháp luật liên quan đến Internet mà Việt Nam tham gia hoặc công nhận.
Trên đây là những chia sẻ một cách khái quát và ban đầu của chúng tôi về khái niệm Pháp luật về Internet, dưới góc độ người dùng Internet.
Còn ý kiến của bạn như thế nào? hãy gửi ý kiến của mình đến cho chúng tôi để chúng ta cùng đóng góp thêm cho kiến thức chung của cộng đồng.Xin chào và hẹn gặp lại!