Tại sao luật phải quy định “không gian mạng”?

Như chúng ta đã biết, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019. Tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 2, luật xác định về “không gian mạng”, cụ thể như sau:

– “Không gian mạng” là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. 

– “Không gian mạng quốc gia” là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát.

Trước đó, một quy định tương tự – “môi trường mạng” – cũng đã được Luật Công nghệ thông tin đề cập đến: “Môi trường mạng” là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin (Khoản 3, Điều 4).

Luật Viễn thông thì giải thích về khái niệm Internet, theo đó: Internet là hệ thống thông tin toàn cầu sử dụng giao thức Internet và tài nguyên Internet để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng dịch vụ viễn thông (Khoản 14, Điều 3).

Trong khi, Luật an toàn thông tin mạng lại đưa ra định nghĩa về mạng, cụ thể là: “Mạng” là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính (Khoản 2, Điều 3).

Khi biết về những quy định trên, một số người cho rằng, xét dưới góc độ khoa học pháp lý và luật thực định, 4 khái niệm rõ ràng khác nhau, nhưng thực tế, nó đang đề cập đến cùng một đối tượng – Internet; liệu đây có phải do lỗi kỹ thuật lập pháp, và nếu đúng, thì tại sao, trong Luật an ninh mạng, không khắc phục tình trạng này, mà lại đưa thêm một khái niệm mới: “không gian mạng”?

Để giải đáp băn khoăn này, cần thêm nhiều thời gian để bàn luận giữa các nhà lập pháp cũng như chuyên gia pháp lý. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có ý định bàn sâu ở khía cạnh đó, mà chỉ chia sẻ một góc nhìn, từ vị trí người dùng Internet, về việc: Tại sao cần quy định khái niệm “không gian mạng” trong Luật An ninh mạng?

Luật An ninh mạng vốn “sinh sau, đẻ muộn” so với Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng. Do đó, nó mang sứ mạng bù đắp những gì mà 3 luật trên còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Việc tăng cường quản lý Internet trên cơ sở xác định một khái niệm mới – “không gian mạng” – là một trong những điểm thuộc sứ mạng đó.

Có thể nói, xét dưới góc độ đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước và yêu cầu của hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam (và nhiều quốc gia khác trên thế giới) vẫn đang phải tìm ra/hoặc hoàn thiện hơn nữa những cơ chế để xác định được phạm vi của “biên giới quốc gia” trên Internet – nơi quyền lực nhà nước được thực thi đầy đủ – để từ đó, có những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của cả dân tộc. Cơ sở của cơ chế đó, có lẽ chính là, xác định được khái niệm “Không gian mạng” trong Luật an ninh mạng.

Khi đã xác định được “không gian mạng” là một thực thể chung, không thuộc sở hữu của bất cứ quốc gia nào, thì cũng đồng nghĩa với việc, sẽ xuất hiện một khái niệm phái sinh: “không gian mạng quốc gia”. Đây chính là căn cứ để Việt Nam nói riêng, các quốc gia nói chung, từng bước xác lập một cách rõ ràng hơn quyền lực nhà nước và phạm vi biên giới lãnh thổ trên môi trường Internet.

Với ý nghĩa đó, có thể nói, việc đưa ra thuật ngữ “không gian mạng” và “không gian mạng quốc gia” là một dấu ấn mang tính sáng tạo, ở một mức độ nhất định, mà các nhà lập pháp Việt Nam đã làm được trong quá trình xây dựng Luật an ninh mạng. Nó không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc bảo vệ An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam, mà còn có giá trị đóng góp vào hoạt động lập pháp quốc tế trong lĩnh vực Internet.

Như vậy, xét ở góc độ thực tiễn, việc đưa ra khái niệm “không gian mạng” trong Luật An ninh mạng là hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, chỉ hơi tiếc là, nếu như Luật An ninh mạng “có công” trong việc đưa ra định nghĩa về “không gian mạng” như đã trình bày ở trên. Thì nó lại bộc lộ một hạn chế đáng kể khi định vị về “không gian mạng quốc gia”. Theo đó, “Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”. Điều này, dưới khía cạnh của hoạt động lập pháp, có thể dẫn đến hệ quả tất yếu: việc xác lập và quản lý “không gian mạng quốc gia” của Việt Nam, chỉ có thể quy định trong văn bản từ cấp Nghị định (do Chính phủ ban hành) trở xuống, mà không thể ở cấp luật (do Quốc hội ban hành). Sẽ trọn vẹn hơn, nếu Khoản 4, Điều 2, Luật an ninh mạng được sửa đổi thành: “Không gian mạng quốc gia do Nhà nước Việt Nam xác lập, quản lý và kiểm soát”.

Trên đây là một góc nhìn của chúng tôi về lý do: Tại sao phải quy định “không gian mạng” trong Luật An ninh mạng?

Còn ý kiến bạn như thế nào? Hãy cùng chia sẻ để đóng góp kiến thức chung cho cộng đồng.         

Xin chào và hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0767.55.44.55